Truyền hình tương tự là gì và vì sao phải thay thế bằng truyền hình kỹ thuật số mặt đất?
14:53 10/12/2018
Truyền hình tương tự mặt đất đã tạo nên bước đột phá trong công nghệ truyền hình của nhân loại, biến những chiếc TV đen trắng (sau đó là TV màu) với những chiếc ăng-ten đi kèm trở thành thiết bị quen thuộc đối với mỗi gia đình. Chỉ cần ngồi trước TV, người xem có thể theo dõi thông tin từ khắp nơi trên thế giới, giúp rút ngắn khoảng cách về cả không gian và thời gian. Tuy nhiên, với sự phát triển từng ngày của công nghệ, truyền hình tương tự dần trở nên lỗi thời và bị thay thế bởi truyền hình kỹ thuật số.
Về cơ bản, truyền hình tương tự mặt đất (truyền hình analog) là công nghệ truyền hình sử dụng tín hiệu analog để truyền tải hình ảnh và âm thanh. Với công nghệ này, tín hiệu hình ảnh và âm thanh được biến đổi “tương tự” với hình ảnh và âm thanh có thật, đồng nghĩa với việc hình ảnh và âm thanh được biến đổi trực tiếp thành tín hiệu điện mà tính chất của chúng không thay đổi. Tuy nhiên, do phải biến đổi “tương tự” như vậy nên tín hiệu analog thường chiếm một khoảng không gian rộng (8MHz), chỉ có thể chứa được một chương trình trong mỗi kênh phát sóng. Ngoài ra, chất lượng hình ảnh và âm thanh của công nghệ truyền hình này còn nhiều hạn chế, dễ bị nhiễu sóng khi gặp điều kiện thời tiết xấu.
Trong khi đó, truyền hình kỹ thuật số mặt đất (DTT) là công nghệ chuyển đổi truyền hình mặt đất từ analog (tương tự) sang digital (kỹ thuật số). Ưu điểm của phương thức này là hình ảnh sắc nét, có chiều sâu, loại bỏ hoàn toàn hiện tượng nhiễu và bóng ma (ghost) - vốn là nhược điểm của truyền hình analog thông thường, loại bỏ tác hại của các tia sóng phản xạ, không bị ảnh hưởng nhiễu phát ra do máy vi tính, mô-tơ điện, sấm sét...
Truyền hình kỹ thuật số mặt đất giúp tiết kiệm chi phí phát sóng khi một thiết bị DTT có thể phát sóng nhiều chương trình thay vì chỉ phát 1 chương trình như thiết bị analog cũ, một phần tài nguyên tần số đồng thời được giải phóng để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng.
Truyền hình kỹ thuật số mặt đất có khả năng thu cố định hoặc xách tay, thu di động trên các phương tiện giao thông công cộng như ô tô, tàu hoả, tàu thủy… Để sử dụng công nghệ này, người dùng cần có ăng-ten thu sóng và đầu thu kỹ thuật số (Set-top-box) để giải mã, chuyển đổi tín hiệu.
Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam đã từng bước thực hiện theo lộ trình số hóa và bắt đầu phát sóng số DVB-T2 từ cuối tháng 7/2012. Tính đến tháng 6/2015, Đài Truyền hình Việt Nam đã triển khai 18 trạm phát sóng số trên cả nước với vùng phủ sóng trải rộng từ các thành phố, tỉnh thành địa phương tới cả các vùng biển đảo nằm xa đất liền.
Theo quyết định của Ban Chỉ đạo số hóa truyền hình Việt Nam, từ ngày 15/8/2016, Đài Truyền hình Việt Nam đã chính thức ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Để có thể thu xem các kênh chương trình truyền hình quảng bá của Đài Truyền hình Việt Nam, người dân trong các khu vực trên và khu vực lân cận có thể sử dụng các thiết bị thu kỹ thuật số DVB-T2 hoặc TV có tích hợp thu DVB-T2.